Cập nhật : 10:5 Thứ ba, 16/4/2024
Lượt đọc: 14

GIẢI PHÁP SÁNG TẠO “ Xây dựng môi trường giáo dục trong lớp học áp dụng Steam theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm tại trường mầm non 3-2”

Ngày ban hành: 16/4/2024Ngày hiệu lực: 16/4/2024
Nội dung:

GIẢI PHÁP SÁNG TẠO

“ Xây dựng môi trường giáo dục trong lớp học áp dụng Steam theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm tại trường mầm non 3-2”

  1. Đặt vấn đề

    Phương pháp giáo dục truyền thống là sự tách rời giữa các lĩnh vực: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học. Sự tách rời này sẽ đem đến một khoảng cách lớn giữa lý thuyết và thực hành, giữa kiến thức và ứng dụng. Phương pháp Steam là phương pháp học tập chủ yếu dựa trên thực hành và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các kiến thức và kỹ năng khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau thông qua hoạt động.

    Giáo dục Steam là phương thức giáo dục tích hợp theo cách tiếp cận liên môn thông qua thực hành, là mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Qua đó trẻ vừa học được kiến thức khoa học, vừa học được cách vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn. Qua Steam trẻ được học tập và trải nghiệm cuộc sống theo cách riêng. Steam phát triển và rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo, thái độ hợp tác, kỹ năng làm việc nhóm cho trẻ.

    Trong chương trình Giáo dục mầm non, các lĩnh vực phát triển cho trẻ được tổ chức theo các hoạt động học với 7 môn học như sau: làm quen với toán, tạo hình, khám phá khoa học/khám phá xã hội, âm nhạc, làm quen văn học, làm quen chữ cái, giáo dục thể chất. Ngoài ra các chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và các chương trình cho trẻ làm quen máy tính đã được các trường ứng dụng, sử dụng hiệu quả trong những năm qua. Với giáo dục mầm non, Steam có thể hiểu là tích hợp nội dung theo chủ đề với các môn như: khoa học, công nghệ, chế tạo (xây dựng, lắp ráp), nghệ thuật (tạo hình), toán trong cùng một hoạt động.

    Thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023, trường mầm non 3-2 đã xây dưng kế hoạch và triển khai nhiều nội dung cũng như hoạt động thiết thực nhằm thực hiện có hiệu quả chuyên đề. Trong đó việc áp dụng những phương pháp giáo dục tiên tiến như Steam được nhà trường triển khai.

    Trên thực tiễn hiện nay vận dụng phương pháp giáo dục Steam vào hoạt động giáo dục tại các lớp học trong trường mầm non vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều giáo viên thường chú trọng cho trẻ tìm hiểu bề ngoài của các đối tượng, đa số trẻ chỉ được hỏi và trả lời, ít khi cho trẻ sờ, mó, nếm các đồ vật mà trẻ được thí nghiệm. Giáo viên ít đưa ra câu hỏi mở khích thích sự tìm tòi, khám phá của trẻ, chính vì vậy trẻ có ít trải nghiệm, ít có điều kiện để giải quyết vấn đề mà trẻ dự đoán. Các học liệu, đồ dùng có sẵn nhưng chưa được sử dụng một cách hiệu quả gây lãng phí và không phát huy được tính sáng tạo của trẻ trong hoạt động. Giáo viên mới được tiếp cận với phương pháp này nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế và tổ chức hoạt động.

  2. Nội dung xây dựng môi trường hoạt động cho STEAM

Để có thể thực hiện Steam, giáo viên không nhất thiết phải thay đổi hoàn toàn môi trường trong lớp học. Mà điểm mấu chốt của Steam là quá trình trẻ được tư duy và giải quyết vấn đề của trẻ, trẻ tận dụng những gì mình có để sáng tạo và chế tạo ra sản phẩm. Do đó góc chơi hoạt động Steam phải chú ý đảm bảo yếu tố: Không gian và đồ dùng, học liệu. Do không gian lớp nhỏ hẹp nên tôi chú ý đến cách xếp bày đồ chơi thật gọn gàng, khoa học đầy đủ các đồ dùng cho trẻ hoạt động, lấy cất phải dễ dàng, có vị trí cho giáo viên đưa thử thách cho trẻ và trẻ trưng bày sản phẩm, trưng bày dự án mà nhóm thực hiện.

Một trong những góc chơi không thể thiếu khi xây dựng môi trường ứng dụng giáo dục Steam, đó là góc ứng dụng Steam. Đây không chỉ là nơi trẻ thỏa sức sáng tạo mà còn là nơi thử nghiệm những ý tưởng trong ngày, trong tuần của trẻ. Góc chơi này có thể đưa trẻ đến gần với kỹ thuật, công nghệ tương lai mà trẻ kiến tạo lên. Góc ứng dụng Steam được bố trí hợp lý, khoa học thuận tiện cho việc hoạt động: Có bảng hướng dẫn, bảng treo bản thiết kế, bàn trưng bày sản phẩm, giá để nguyên vật liệu.  (ảnh minh chứng 1)

 

   - Xây dựng khu vực chế tạo - Góc Steam:

Việc xây dựng môi trường góc chơi hoạt động Steam mang lại những lợi ích gì? Khi trẻ nhìn thấy dự án trưng bày góc, thấy công sức, thành mà trẻ và các bạn làm ra, khiến trẻ thích thú, vui sướng biết bao. Điều vừa giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu nhưng không làm ảnh hưởng tới hoạt động  tiếp theo trong khung thời gian hoạt động  một ngày của trẻ. Từ đây, trẻ được học tập, trải nghiệm và khám phá, qua đó kích thích được sự sáng tạo, rèn luyện được sự khéo léo, bền bỉ, khuyến khích trẻ thực hiện những thử nghiệm mới,  luyện tập các kỹ năng cần thiết cho trẻ, dạy trẻ cách giải quyết vấn đề, cách làm việc theo nhóm. Trẻ sử dụng kĩ năng tạo hình và tạo ra sản phẩm. Phối hợp các kĩ năng tạo hình để tạo ra sản phẩm, ứng dụng các kĩ năng đó trong cuộc sống.Vẽ sáng tạo theo tưởng tượng. Thử nghiệm làm các sản phẩm theo bản thiết kế. Hay đơn giản góc tạo hình - góc Steam nơi để trẻ hoàn thiện nốt dự án còn dang dở  trên tiết học khi trẻ vẫn rất hứng thú say mê mà thời gian tiết học lại hết. (ảnh minh chứng 2)

 

Học liệu ở góc Steam tôi sưu tầm rất nhiều các nguyên học liệu khác nhau để trẻ thoải mái sáng tạo khi hoạt động như: Kim tuyến, màu nước, màu sáp, keo sữa, keo dán, keo nến, dây ruy băng, dây gai, len, đất nặn…; nguyên vật liệu tái chế như lõi giấy, bìa cattong, đĩa CD, nắp nhựa, chai lọ, cốc giấy, bảng gỗ, vỏ ốc, hoa khô;…. Tôi phân loại từng nguyên học liệu, để riêng từng rổ, hộp nhựa trong có dán tên nguyên liệu kèm hình ảnh, để vừa tầm với trẻ để trẻ dễ thấy, dễ lấy, cất và sử dụng. (ảnh minh chứng 3)

Ngoài ra còn có đồ dùng trải nghiệm: Màu nước, hạt gạo, đường, muối, giấy ănCác đồ dùng phục vụ thí nghiệm: Cốc có chia vạch ml, chai cốc lọ có nhiều kích thước khác nhau, bộ dụng cụ đo thể tích, xi lanh, kính lúp, cân.

*Ngoài xây dựng góc Steam mới tôi còn áp dụng Steam vào các góc kĩ năng, văn học, âm nhạc, xây dựng (ảnh minh chứng các góc)

 

III. Tính mới tính sáng tạo

1. Tính mới:

Bản thân được tiếp cận với một phương pháp giáo dục mới các kiến thức về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học được tích hợp, lồng ghép, bổ trợ cho nhau thông qua các hoạt động không tách riêng từng lĩnh vực.

Các hình thức tôi luôn lựa chọn các hình thức phù hợp để lồng ghép, có hoạt động thực hiện trong giờ học, có hoạt động lại thực hiện trong giờ hoạt động ngoài trời, hoạt động góc, hoạt động chiều để tạo cơ hội giúp trẻ được quan sát, giải quyết vấn đề theo tư duy và biết phối hợp cùng nhau để hoàn thiện nhiệm vụ.

Giúp giáo viên tích cực, suy nghĩ, tìm tòi ứng dụng các phương pháp hiện đại, cách thức tổ chức hoạt động không gò bó, trẻ được được lựa chọn hoạt động phù hợp với sở thích năng lực của bản thân. Trẻ được phép sử dụng đa dạng các nguồn học liệu để tạo ra sản phẩm, được phép thử, sửa sai và đặc biệt sản phẩm trẻ tạo ra có tính ứng dụng trong thực tế.

Khi ứng dụng phương pháp này trẻ lớp tôi tạo ra được nhiều sản phẩm có thể được sử dụng đưa vào các hoạt động giáo dục khác nhau: Có sản phẩm được mang đi triển lãm trong ngày hội “Bé với Steam” và được các cô, các bạn lớp khen ngợi. Có sản phẩm lại sử dụng làm đồ dùng dạy học, làm đồ chơi trong góc bán hàng, góc kể chuyện. Khi tôi sử dụng các sản phẩm của trẻ làm đồ dùng đồ chơi tôi thấy trẻ rất thích thú được hoạt động với chính sản phẩm trẻ tạo ra và luôn khoe với các bạn cái đó là tớ làm đấy. Qua đó tôi nhận thấy mỗi khi được tham gia hoạt động chế tạo của dự án trẻ rất hứng thú, biết phối hợp với bạn cùng nhau để tạo ra sản phẩm thật đẹp.

2. Tính sáng tạo:

- Xây dựng được góc hoạt động Steam cho trẻ hoạt động.

- Sử dụng các nguyên học liệu tái chế để trẻ sử dụng tạo ra ản phẩm có tính ứng dụng trong thực tiễn.

IV. Kết luận

Giải pháp sáng tạo: “ Xây dựng môi trường giáo dục trong lớp học áp dụng Steam theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm” đã góp phần làm phong phú, đa dạng các chủng loại về đồ dùng đồ chơi,  thiết bị dạy học và các phương tiện hoạt động phát triển các kĩ năng cho trẻ, góp phần giảm chi phí, tiết kiệm về mặt kinh tế, giảm thời gian làm đồ dùng đồ chơi xong sử dụng lại đạt hiệu quả cao. Tiết kiệm được kinh phí cho nhà trường trong việc đầu tư mua sắm đồ dùng đồ chơi, nguyên học liệu. Sử dụng các nguồn nguyên liệu, đồ dùng tái chế mà tạo ra được những đồ chơi vô cùng giá trị cho trẻ trong các hoạt động Steam như: Chai lọ, vỏ hộp, ống hút, dây buộc các loại, túi giấy.... tạo ra các đồ dùng có thể sử dụng làm đồ dùng đồ chơi ở các hoạt động khác. Bản thân giáo viên hiểu rõ hơn về Steam. Biết cách xây dựng môi trường hoạt động giáo dục Steam. Biết các bước thiết kế một động Steam. Trẻ rất hứng thú, tích cực và say sưa thực hiện các nhiệm vụ, trẻ được thỏa sức sáng tạo và thể hiện theo suy nghĩ của bản thân, các kỹ năng tương lai cần có cho trẻ được rèn luyện, phát triển đặc biệt là kỹ năng hoạt động nhóm, kỹ năng phản biện, kỹ năng giải quyết các vấn đề. Trẻ trở nên mạnh dạn, tự tin hơn rất nhiều.

Có thể nói việc xây dựng môi trường giáo dục áp dụng Steam theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm là thực sự có ý nghĩa hết sức cần thiết và rất quan trọng. Thông qua các hoạt động, nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện. Môi trường sạch sẽ, an toàn, có sự bố trí khu vực chơi và học trong lớp và ngoài trời phù hợp, thuận tiện có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với sự phát triển của trẻ mà còn thỏa mãn nhu cầu nhận thức, mở rộng hiểu biết của trẻ, kích thích trẻ hoạt động sáng tạo.Trẻ được hoạt động trong môi trường thân thiện, an toàn với các góc chơi, đồ dùng tự tạo đẹp, mới lạ làm cho trẻ hào hứng tích cực tham gia các hoạt động, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ./.

 

 

 

 


 

Trường mầm non 3-2